Lượt xem: 2062

Con đường mang tên Văn Ngọc Chính - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở làng Hòa Tú tháng 11-1940

Đồng chí Văn Ngọc Chính, người con ưu tú của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt tên tuổi của đồng chí gắn liền với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940 ở làng Hòa Tú. Đồng chí được phong tặng và truy tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên đồng chí Văn Ngọc Chính được đặt tên một con đường ở thành phố Sóc Trăng.

 


Đường Văn Ngọc Chính nằm trên địa bàn Khóm 4, 5, 9 của Phường 3 và Khóm 1, Phường 10. Ảnh N.M

 

    Đồng chí Văn Ngọc Chính sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở ấp Rạch Rò, làng Hòa Tú, tổng Nhiêu Phú, quận Châu Thành, (nay thuộc xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) tỉnh Sóc Trăng.

    Thuở nhỏ, vì nhà nghèo, anh em đông nên Ngọc Chính không được đến trường học. Lớn lên, chứng kiến cảnh dân làng bị địa chủ, cường hào bóc lột, cùng những chính sách sưu thuế, lao dịch nặng nề đã nung nấu trong lòng chàng thanh niên Văn Ngọc Chính lòng căm thù và ước mong được xóa bỏ cảnh áp bức, bóc lột, người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Những năm 1936 - 1937, Văn Ngọc Chính được ông Trần Nguyên Phụ và đồng chí Phạm Hồng Thám tuyên truyền giáo dục về chủ nghĩa cộng sản, về cách mạng. Tháng 1-1938, đồng chí Văn Ngọc Chính cùng một số thanh niên ưu tú trong làng được kết nạp vào Đảng, đồng thời thành lập Chi bộ Hòa Tú, do đồng chí Nguyễn Tấn Đạt làm Bí thư. Đồng chí Văn Ngọc Chính cùng với các đảng viên chi bộ thành lập nhiều tổ chức công khai, như: Hội tương tế, hội ái hữu, vạn vần đổi công... nhằm giúp đỡ nhau trong đời sống và sản xuất, đồng thời tập hợp Nhân dân để tuyên truyền, vận động cách mạng.

    Tháng 7-1940, đồng chí Nguyễn Tấn Đạt được điều động về Tỉnh ủy Sóc Trăng, đồng chí Văn Ngọc Chính được phân công làm Bí thư Chi bộ làng Hòa Tú. Cùng với các đảng viên trong chi bộ, đồng chí Văn Ngọc Chính thành lập và lãnh đạo các tổ chức phản đế của nông dân, phụ nữ, thanh niên ở làng Hòa Tú hoạt động sôi nổi. Nhiều cuộc họp, mít tinh, diễn thuyết được tổ chức, phổ biến chủ trương của Đảng, kêu gọi đồng bào tham gia khởi nghĩa, giải phóng quê hương.

    Trong cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940, duới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòa Tú, đứng đầu là đồng chí Văn Ngọc Chính, Bí thư Chi bộ - Trưởng Ban chỉ huy khởi nghĩa, nghĩa quân lần lượt đánh chiếm 4 mục tiêu: Đồn Cổ Cò (đồng thời là Nhà việc làng Hòa Tú), nhà Hương quản Tệt, nhà địa chủ Nguyễn Tấn Lễ và đồn điền Trương Vĩnh Khánh. Nghĩa quân giải tán bộ máy hội tề làng Hòa Tú và thiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách của địa chủ ghi nợ tá điền, thu được 7 súng, giành quyền làm chủ ở làng Hòa Tú.

    Lần đầu tiên, người dân làng Hòa Tú, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, đứng đầu là đồng chí Văn Ngọc Chính đã trực tiếp đấu tranh bằng vũ lực, đánh tan bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, giành quyền làm chủ ở cấp làng. Cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Sóc Trăng, làm thức tỉnh mọi người dân yêu nước. Cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử, với niềm tự hào của bao thế hệ người dân Sóc Trăng.

    Tuy nhiên, do kế hoạch khởi nghĩa toàn miền bị lộ, địch tăng cường tuần tra canh gác và tìm mọi cách đối phó. Ở tỉnh Sóc Trăng, chỉ có làng Hòa Tú nổ ra khởi nghĩa và giành thắng lợi. Sau khởi nghĩa địch tập trung lực lượng tiến hành càn quét toàn bộ vùng Hòa Tú. Liên tiếp trong 3 tuần lễ, chúng tiến hành các cuộc khủng bố, bắt bớ, đốt nhà cửa người dân ở Hòa Tú hết sức tàn bạo. Mặc dù vậy, đồng chí Văn Ngọc Chính vẫn kiên trì bám địa bàn và được Nhân dân che chở, đùm bọc. Ban ngày đồng chí ẩn núp ngoài đám rừng lá hoặc ruộng lúa, tối đến tìm về liên lạc với cơ sở vận động Nhân dân vượt qua khó khăn, đấu tranh chống lại hành động càn quét, khủng bố của địch và tìm cách khôi phục lại phong trào cách mạng. Nhưng một lần trên đường đi liên hệ với cơ sở cách mạng ở 2 ấp Hòa Tân và Hòa Trực, đồng chí Văn Ngọc Chính bị địch phục kích bắt. Đó là vào khoảng giữa tháng 12-1940.

    Thực dân Pháp giam đồng chí Văn Ngọc Chính ở các khám: Sóc Trăng, Cần Thơ, Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ tròn khí tiết của người đảng viên cộng sản. Dù không có bằng chứng buộc tội, nhưng chúng vẫn đưa đồng chí Văn Ngọc Chính ra tòa, kết án tù chung thân khổ sai, tịch thu gia sản và đày đi Côn Đảo. Bị đày ra Côn Đảo thời gian này, có anh và em ruột của đồng chí Văn Ngọc Chính, hai người cùng tham gia cuộc khởi nghĩa ở làng Hòa Tú vào tháng 11-1940.

    Thời gian ở Côn Đảo, đồng chí Văn Ngọc Chính được các đảng viên trong tù dạy văn hóa, lý luận chính chính trị và thường động viên anh em tù chính trị hãy bền gan, vững chí tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc.

    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Văn Ngọc Chính cùng người em trai là Văn Ngọc Nhị được rước về đất liền Sóc Trăng cùng với đoàn tù chính trị Côn Đảo, còn người anh  trai Văn Ngọc Tố đã vĩnh viễn nằm xuống nơi “Địa ngục trần gian”.

    Đồng chí Văn Ngọc Chính được phân công về huyện Thạnh Trị công tác. Tháng 9-1946, Ban Cán sự Đảng quận Thạnh Trị được thành lập, đồng chí Văn Ngọc Chính được chỉ định làm Ủy viên. Từ tháng 2 năm 1950 đến tháng 7-1954, đồng chí Văn Ngọc Chính được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, làm Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị (từ 2-1950 đến 11-1953) và Trưởng Ty Canh nông tỉnh Sóc Trăng (từ 11-1953 đến 7-1954).

    Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Văn Ngọc Chính được phân công ở lại miền Nam hoạt động, bám địa bàn, củng cố và xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phong trào cách mạng. Ngày 5-6-1955, do có kẻ phản bội chỉ điểm, đồng chí Văn Ngọc Chính bị bắt trên đường đi công tác ở ấp Hiệp Hòa, xã Gia Hòa. Địch tra tấn ông rất dã man nhưng không khai thác được gì, sau đó chúng hèn hạ thủ tiêu bằng cách bịt miệng ông bỏ vào bao bố, dùng lưỡi lê đâm xuyên qua người cho đến chết rồi quăng xuống cầu Đại Ngãi cho nước cuốn trôi mất tích. Đồng chí Văn Ngọc Chính hy sinh ngày 23-8-1955, nhằm ngày 6 tháng 7 năm Ất Mùi.

    Để ghi nhận những đóng góp của đồng chí Văn Ngọc Chính cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã phong tặng đồng chí Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

    Đảng bộ và Nhân dân Sóc Trăng mãi mãi tự hào về đồng chí Văn Ngọc Chính -người cộng sản suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Để tưởng nhớ và tri ân đồng chí, năm 2006, đường Chùa Dơi mà người dân quen gọi được đặt tên là đường Văn Ngọc Chính.

    Đường Văn Ngọc Chính hiện nay dài gần 3 km, nằm trên địa bàn Khóm 4, 5, 9 của Phường 3 và Khóm 1, Phường 10. Đường Văn Ngọc Chính bắt đầu từ đường Lê Hồng Phong và kết thúc là xóm Tà Lách, Phường 10.

Thanh Hà



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 888
  • Trong tuần: 81,401
  • Tất cả: 11,656,702